Vingroup muốn xây sân bay Chu Lai, Quảng Nam lớn nhất Việt Nam
Tập đoàn Vingroup vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) theo hình thức BOT.
Sân bay Chu Lai nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam, được khởi công xây dựng năm 2004. Một năm sau, ngày 22/3/2005, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đã hạ cánh xuống Chu Lai. Đây là sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam với 3.000 ha, đường băng dài hơn 3km.
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Bộ GTVT nâng cấp sân bay Chu Lai, theo đó đến năm 2025 trở thành Cảng hàng không quốc tế và trở thành trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước với công suất dự kiến 1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020 và 5 triệu tấn/năm và 4,1 triệu lượt hành khách/năm.
Tập đoàn Vingroup đã nghiên cứu Quyết định 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triến kinh tế-xã hội vùng trọng điếm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đó sân bay Chu Lai được đầu tư theo hướng lâu dài xây dựng thành sân bay quốc tế trung chuyển của vùng và khu vực.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 543/QĐ-TTg ngày 13/5/2008, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp 4F, quy mô diện tích 2.006ha; đến năm 2025 nhà ga hành khách đạt 4,1 triệu lượt hành khách/năm và nhà ga hàng hóa đạt 5 triệu tấn/năm.
Nhìn nhận thực tế Cảng hàng không Chu Lai mặc dù có vị trí chiến lược và là hạt nhân quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung, tuy nhiên, phía Tập đoàn Vingroup cho rằng hoạt động đầu tư hiện nay cho thấy Cảng chưa được đầu tư tương xứng, phù hợp với quy hoạch và không đáp ứng kịp nhu cầu phát triến kinh tế xã hội đang tăng nhanh.
Văn bản của tập đoàn Vingroup gửi tới Bộ GTVT đề xuất cụ thể: Toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất của sân bay Chu Lai hiện hữu sẽ được tổ chức bán đấu giá để thu hồi vốn về ngân sách Nhà nước.
Đối với diện tích đất khoảng 1.500 ha, trong đó 1.019,16 ha đất do hàng không dân dụng quản lý và 482 ha dùng chung giữa dân dụng và quân sự, Vingroup xin đề xuất được đầu tư toàn bộ các hạng mục của hàng không dân dụng quốc tế mới.
Các hạng mục bao gồm: Nhà ga hành khách, các hạng mục khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ…), hệ thống tra nạp nhiên liệu, đường trục trước nhà ga, nhà để xe, ga hàng hoá và các hạng mục phụ trợ…
Tập đoàn tư nhân này muốn xây dựng sân bay Chu Lai trở thành sân bay mới, hiện đại, sang trọng, xứng tầm quốc tế.
Ngoài ra, đối với 1.000 ha đất ngoại vi liền kề với sân bay, Vingroup muốn nghiên cứu, đề xuất quy hoạch xây dựng khu đô thị sân bay Chu Lai với chức năng làm một khu đô thị hiện đại nhằm tạo ra sự phát triển cho khu vực và là hạ tầng phục vụ cho việc phát triển sân bay quốc tế Chu Lai.
Văn bản đề xuất cũng nhấn mạnh mục tiêu của tập đoàn này phát triển Cảng Hàng không Chu Lai trở thành một trong những cảng hàng không hành khách và hàng hoá dân dụng lớn nhất Việt Nam.
Với kinh nghiệm của mình trong việc các thực hiện dự án đầu tư xây dựng, vận hành và sự thành công của việc tư nhân tham gia vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cảng hàng không tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Tập đoàn Vingroup tin tưởng rằng nếu được chấp thuận, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp sân bay Chu Lai sẽ sớm được triển khai, hoàn thành góp phần vào sự thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai, sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng và của khu vực miền Trung nói chung.
Hoàng Anh (TH)