Xây dựng cảng container tại Dung Quất: Việc làm cấp thiết
Cảng biển nước sâu là một lợi thế lớn của KKT Dung Quất trong việc thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hiện nay tại Dung Quất chưa có cảng tổng hợp – container hiện đại, nên việc vận chuyển hàng hoá và cung ứng các dịch vụ vận tải gặp khó khăn. Do đó, việc đầu tư bến cảng tổng hợp-container tại Dung Quất là yêu cầu cấp thiết.
Mong muốn từ doanh nghiệp
Khu kinh tế Dung Quất hiện có 8 bến cảng, gồm: 3 bến cảng tổng hợp (Hào Hưng, PTSC và Gemadept); 3 bến cảng chuyên dùng (Doosan và 2 cảng NMLD Dung Quất), 1 bến cảng của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất để đóng và sửa chữa tàu biển và 1 cảng chuyên dùng của Công ty CP Thép Hòa Phát (đang xây dựng – PV). Các cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 – 70.000 DWT. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tại KKT Dung Quất năm 2018 đạt trên 20 triệu tấn.
Cảng biển nước sâu là một lợi thế của Quảng Ngãi trong việc thu hút các dự án đầu tư. |
Mặc dù là cảng nước sâu, nhưng hiện nay tại KKT Dung Quất dịch vụ logistics chưa phát triển. Các cảng biển ở Dung Quất chưa có tuyến container, nên ảnh hưởng đến hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn KKT Dung Quất, cũng như của toàn tỉnh.
Một DN ở Khu VSIP Quảng Ngãi cho biết: Mong muốn của nhiều nhà đầu tư vào Khu VSIP, cũng như KKT Dung Quất là tỉnh sớm hình thành tuyến cảng biển vận chuyển container, nhằm giảm chi phí vận chuyển cho DN. Bởi lẽ, hiện nay các mặt hàng xuất container phải vận chuyển ra Đà Nẵng, hoặc một số cảng biển lân cận của miền Trung.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, hiện nay Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất và hàng loạt các dự án xung quanh đang được triển khai rất mạnh. Các dự án lớn như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; dự án FLC; tổ hợp điện khí… khi đi vào hoạt động, thì cảng Dung Quất chắc chắn sẽ quá tải trong thời gian không xa.
Bên cạnh đó, tại Khu VSIP Quảng Ngãi, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng rất nhanh, cùng với đó là các KKT trong khu vực cũng có lượng hàng hóa rất lớn. Thực tế cho thấy, số lượng hàng hóa qua cảng Dung Quất đã đủ để hình thành tuyến container. Do đó, BQL kêu gọi DN đầu tư dự án bến cảng tổng hợp – container tại Dung Quất là cần thiết.
“KKT Dung Quất đang phát triển với tốc độ nhanh, thu hút nhiều DN đầu tư các dự án có quy mô lớn, gồm các ngành: Dầu khí, điện khí, đóng tàu, luyện cán thép, công nghiệp cơ khí, sản xuất đồ gỗ, công nghiệp hóa dầu, sản xuất xi măng, dăm gỗ… nên cần thiết có cụm cảng tổng hợp – container. Xây dựng cụm cảng tổng hợp – container hiện đại sẽ tạo điều kiện cho DN trong tỉnh, cũng như khu vực miền Trung xuất, nhập khẩu hàng hóa thuận lợi, góp phần thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi”. Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG |
Xây dựng cụm cảng tổng hợp – container hiện đại
Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài cho biết: Sản lượng hàng hoá xuất – nhập qua cảng Dung Quất hiện tại có thể chưa nhiều, nhưng tỉnh cần phải có tầm nhìn chiến lược. Bởi KKT Dung Quất còn quỹ đất phát triển công nghiệp tương đối lớn, nên các DN có nhu cầu sử dụng cảng biển và dịch vụ logistics ngày càng tăng. Trong tương lai, cảng Dung Quất sẽ là cảng phục vụ cho cả khu vực, nhất là các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp – container Hoà Phát Dung Quất. Theo đó, Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát đã đề xuất đầu tư xây cụm bến số 6, 7, 8 (khoảng 45,75ha) theo quy hoạch, gồm 3 bến với tổng chiều dài 750m, tiếp nhận tàu từ 50.000 đến 200.000 tấn. Tổng vốn đầu tư 3.774 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cam kết, năm 2020 sẽ đầu tư một bến, sau năm 2020 tiếp tục đầu tư hai bến cảng còn lại.
Theo ông Nguyễn Minh Tài, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, với 350 lao động trực tiếp và nhiều lao động từ các ngành nghề, dịch vụ khác; góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá phục vụ xây dựng, khai thác của các KCN trong tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung.
Bài, ảnh: PHẠM DANH/baoquangngai.vn