Một nơi để luôn muốn “trở về”
KTNĐ – Chúng ta thường ví von ngôi nhà là “chốn đi – về”, nhưng phải tự thú nhận rằng, sẽ có đôi lúc ta muốn “ở bên ngoài thêm tí nữa”. Ngôi nhà – nơi tái tạo năng lượng – không phải lúc nào cũng khiến ta muốn trở về sau một ngày dài mệt nhọc. Điều này nghe có vẻ không ổn, nhưng nhiều khi là một thực tế đáng suy ngẫm. Vậy, phải làm sao để ta có thể giữ cho ngôi nhà luôn là một nơi muốn “trở về”?
Vật liệu giản dị, không gian thoáng đãng là cách tiếp cận kiến trúc hiện đại không cầu kỳ, quan tâm đến môi trường và lắng nghe những cảm xúc của bản thân, gia đình
QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM HAY ĐÍCH ĐẾN SỰ KIỆN?
Tôi cho rằng ngôi nhà cũng như con người, có chu kỳ theo nhịp sinh học của một ngày, một tháng, một năm… và luôn tồn tại các mặt đối lập. Do đó, tùy theo quá trình trải nghiệm (hằng ngày) hay đích đến sự kiện (tùy lúc) mà xác định các không gian tương ứng, sao cho một ngày phải có lúc tụ tập gia đình quanh bàn ăn, một tháng có lần quây quần người thân, bạn bè, và một năm làm gì thì làm không thể bỏ qua thời điểm đoàn viên dịp cuối năm cũ đầu năm mới.
Những thiết kế hay bài trí nhà cửa cần đảm bảo yếu tố “sự kiện” được tổ chức tiện nghi, vui vẻ, ít xáo trộn đến nếp sinh hoạt ngày thường. Nhiều căn hộ hay nhà ống hiện nay theo kiểu “ngại” giao tiếp, bỏ phòng khách, chỉ còn làm nơi xem phim nghe nhạc của cá nhân, hoặc bỏ phòng sinh hoạt chung, chỉ còn tăng tiện nghi cho phòng riêng… dẫn đến tính kết nối gia đình giảm sút. Khi cần tổ chức tiệc hay sum họp ở nhà sẽ không có diện tích và thiếu sắp xếp tiện ích phù hợp, đành rủ nhau ra ngoài quán, ăn xong thì… đỡ phải rửa chén! Nhưng tôi hay để ý, sau những lần “ra quán” như vậy thì người già và trẻ em là hai đối tượng không vui. Người già lặng lẽ, tham dự cho có giữa đám thanh niên trẻ ồn ào náo nhiệt ở nơi xa lạ (nhất là đám giỗ mà ra quán là thường như vậy). Còn trẻ em thực sự cần tương tác với gia đình nhiều hơn. Quây quần ở nhà với các không gian quen thuộc, thoải mái, hướng bọn trẻ cùng chia sẻ việc nhà khi có sự kiện… là cách người phương Tây đang giáo dục con em họ lâu nay. Cho dù đủ 18 tuổi là cha mẹ cho bay nhảy, ra riêng, thì những giá trị trải nghiệm thời quây quần tuổi thơ ấu sẽ vẫn còn đọng mãi, và được tiếp nối đến thế hệ sau.
Dĩ nhiên không nhất thiết mọi thứ đều phải làm tại nhà, nhưng cần xác định rõ về mặt tổ chức không gian mỗi ngôi nhà nên có ít nhất một góc đoàn viên quây quần. Có thể là phòng khách, phòng thờ, khu bếp ăn, hay thậm chí là khoảng sân thượng kê được vài ghế, trang trí tùy theo sự kiện. Nếu khéo bố trí thì “nhiệm vụ thiết kế” này hoàn toàn không quá khó, không quá tốn kém chi phí hay phải chăm sóc dọn dẹp thường xuyên, nhưng đem lại hiệu quả gắn kết khá thú vị mà nơi quán xá hay nhà hàng sang trọng cũng không thể thay thế được.
Bếp ăn, nơi thể hiện rõ nhất sự gắn kết các thành viên trong gia đình
SHARA HY TRẦN – KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN
CHỚ QUÊN NƠI “XÓ BẾP”
Dù theo kiểu phương Tây hay phương Đông, nơi nấu nướng, ăn uống luôn là nơi khởi đầu cho những tụ họp, đoàn viên gia đình. Bếp theo nghĩa rộng, không chỉ là khu vực – căn phòng – tủ kệ làm nơi chế biến và phục vụ bữa ăn hằng ngày, mà kiêm cả chức năng giải trí và giao tiếp. Nếu không gian của xóm giềng xung quanh đều tốt thì “bếp ăn” đó có thể chính là khoảng sân chung, là khu vườn nhỏ có bếp lò di động phục vụ BBQ cả xóm, hay chỗ bọn trẻ chơi đùa, người già đọc báo… Đa số nhà bên phương Tây họ đều làm vừa bước vào gặp ngay gian bếp và bên chúng ta cũng vậy, về nhà là vào bếp lục lấy chai nước, tìm chút đồ ăn, cho thoải mái cho vui vẻ cái đã. Gặp dịp gì cũng chủ yếu quây quần sinh hoạt ăn uống rồi sau đó mới rút về phòng riêng. Bếp hiện đại theo chuẩn Tây phương vì thế khá rộng và tiện nghi, điều mà nhiều ngôi nhà Việt hiện nay đã ý thức được và làm được, tuy rằng không ít nhà vẫn còn tồn tại kiểu bếp tối tăm ẩm thấp, lẩn khuất đâu đó phía sau, giống như… thân phận của một số phụ nữ Việt vẫn còn chịu cảnh thiệt thòi nơi “xó bếp” như vậy.
Một ngôi nhà không xác định được chỗ nào là quan trọng nhất thì sẽ rất khó tạo nên cái hồn riêng, khó định vị phong cách và cấu trúc không gian, và chỉ là ngôi nhà có đủ mọi thứ nhưng chung chung, nhạt nhòa, đi xa không nhớ nhà mình có gì đặc sắc thì làm sao mà muốn về?
Một không gian cụ thể mà ở đó cá tính gia chủ bộc lộ rõ nét nhất, sẽ làm cho ngôi nhà khác hẳn thứ đồng phục may sẵn áp vào cho tất cả mọi người. Dù làm nhà phải quan tâm đến tất cả các không gian nhưng tôi luôn chú trọng nhiều hơn đến gian bếp. Đó là chỗ sẽ “tố cáo” có hay không sự đầm ấm thực sự của gia đình, điều mà các không gian khác như phòng khách hay phòng ngủ không thể làm được. Bếp luôn tươi hồng vui vẻ cũng là thể hiện gia đạo ấm nồng, bếp nhỏ hay to không quan trọng bằng bếp được sử dụng thế nào, với ai và vì ai. Thậm chí tôi sẽ hơi cực đoan khi cho rằng: một ngôi nhà được gọi là thuần Việt thì chắc chắn không thể thiếu 2 không gian là bếp và phòng (hoặc bàn) thờ, cũng là hai nơi có nhiều lửa – hỏa – sự ấm nồng – nối kết các thế hệ, các sinh hoạt chung nhiều nhất trong ngôi nhà.
MUỐN ĐI XA PHẢI ĐI CÙNG NHAU
Đa số cư dân đô thị hiện nay, mỗi ngày đều chen chúc ra đường mưu sinh, và hối hả trở về “gác trọ” của mình, sinh hoạt ăn uống riêng tư rồi khép cửa, không biết đến nhà bên, phòng bên. Lên mạng bức xúc về thực trạng đô thị rất nhiều, nhưng ít ai đóng góp điều gì cụ thể cho “ngôi nhà chung” đó, thậm chí với ngôi nhà riêng cũng dần lãng quên sự chăm chút. Chưa bao giờ giới trẻ nói nhiều về café đường phố, về những thú lang thang miền xa lạ, về nơi tụ tập, góc chém gió…
nhiều như hiện nay. Còn khi nhìn về ngôi nhà riêng của mình, không ít người trẻ, gia đình trẻ đều bộc lộ sự e ngại về môi trường sống, hoài niệm quá khứ và mong mỏi có chút không gian để ngồi với nhau, hưởng chút gì đó thân quen đơn giản. Nắm bắt tâm lý này, không ít quán xá hiện nay được thiết kế theo lối retro, vintage, tái hiện thời bao cấp,… nhằm đáp ứng đủ mọi nhu cầu hoài niệm, gắn kết, chia sẻ… của các tầng lớp thị dân. Nhưng đó vẫn là nơi quán xá, nơi để ghé và đi, không phải để “trở về”.
Ông bà xưa nói “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” đến nay vẫn thấy chí lí, 3 việc quan trọng đời người theo cá nhân tôi nên làm đúng thứ tự: có công việc mưu sinh, rồi lập gia đình, và xây dựng chốn an cư, tạo dựng tổ ấm. Một số bạn trẻ phải nhất quyết thành đạt rồi mới lập gia đình, nhưng biết đến khi nào, mức nào mới gọi là thành đạt? Ai đó đã nói rằng “muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, khi có thêm sự chia sẻ và những nhu cầu cụ thể từ một ngôi nhà – mái ấm với người thân thì sẽ biết cách tạo dựng ngôi nhà – vật chất hợp lý hơn.
Một chút thiên nhiên nhỏ nhoi trong góc sống là những giá trị quan trọng giúp ngôi nhà trong lòng đô thị dễ thở hơn, níu kéo bước chân gia chủ quay về…
Chỉ so sánh trên phương diện giao “nhiệm vụ thiết kế” cho nhà chuyên môn, ngôi nhà của gia chủ trẻ (dù thành đạt nhưng chưa lập gia đình) sẽ có nhiều nguy cơ bị “biến động” không gian hơn là ngôi nhà được xây dựng bởi gia chủ đã yên bề gia thất, có đủ trải nghiệm để biết nhà mình cần gì. Dù chọn việc lập gia đình hay không là quyền của mỗi người, nhưng tôi nhận ra rằng lợi ích cơ bản nhất để khi xây nhà không chỉ thuần túy có “cái tôi “ mà còn phải có “chúng ta” nữa, đó là sự tương tác và chia sẻ. Khi các nhu cầu riêng không được đáp ứng, các nhu cầu chung (như phòng sinh hoạt chung, nơi tề tựu dịp lễ tết…) bị thiếu thốn, thì ngôi nhà làm sao có thể thành nơi chốn để mọi người muốn trở về.
THỰC HIỆN: KTS LÊ HUY
ẢNH: VIỆT KHÔI
Để lại một đánh giá
Bạn có muốn tham gia cuộc trao đổi?Có thể thỏa sức thảo luận!