Cần thiết xây dựng cảng cá tại sông Phú Thọ
Quảng Ngãi: Cần thiết xây dựng cảng cá tại sông Phú Thọ
Dọc theo sông Phú Thọ, đoạn qua xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã từng có một bến cá sầm uất.
Tuy nhiên, do luồng lạch tại cửa Đại bị bồi lấp nặng nên tàu thuyền khó ra vào, cũng từ đó ngư dân 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú luôn mơ về một cảng cá đúng nghĩa để trở về sau mỗi chuyến vươn khơi.
Cửa Đại (nơi sông Phú Thọ đổ ra biển) cũng là nơi để nhiều tàu thuyền của ngư dân các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú ra khơi khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, sau khi cửa Đại bị bồi lấp, hầu hết các tàu cá, đặc biệt là tàu cá có công suất lớn từ 95 CV trở lên khó có thể ra vào. Vì vậy, mặc dù có cửa biển nhưng hầu hết các tàu cá của ngư dân phải vào cửa biển khác để bán thủy sản, tiếp nhiên liệu, neo trú tàu thuyền.
Ngư dân Trương Quang Dậy, xã Nghĩa An, cho hay: “Cửa Đại không vào được nên tôi phải cho tàu vào cảng Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ, Thành phố Quảng Ngãi) để bán cá, neo trú tàu thuyền. Về đó rồi anh em lại phải thuê xe để về nhà nên tốn chi phí, mà tàu để đó cũng tốn phí gửi. Khoảng cách từ nhà đến tàu hơn 20km nên nếu không may tàu có chuyện gì mình cũng khó để xử lý.”
Ông Lê Huy Phúc, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An cho rằng, với ngư dân thì “thuyền là nhà” nhưng nay thuyền lại phải gửi ở xa cho nên ngư dân luôn trong tình trạng bất an lo sợ tài sản (tàu thuyền) trị giá mấy tỷ đồng bị mất cắp, hư hỏng.
Hơn nữa, vào mùa mưa bão trong khi các vũng neo đậu tàu thuyền khác luôn quá tải, thì cửa Đại tại sông Phú Thọ bị bồi lấp, tàu thuyền không vào được khiến ngư dân bức xúc.
Do đó, việc xây dựng một cảng cá tại sông Phú Thọ là rất phù hợp, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Cửa Đại bị bồi lấp không chỉ gây khó khăn cho các ngư dân mà các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại bến sông Phú Thọ cũng vì thế mà hoạt động cầm chừng, thậm chí là đóng cửa, nhiều lao động địa phương bị mất việc.
Bà Lê Thị Thu, thương lái tại xã Nghĩa Phú, rầu rĩ cho biết, ngày trước bến cá này nhộn nhịp lắm, ngày đêm gì cũng có tàu thuyền vào bán cá. Nhưng nay chỉ có những tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ vào thôi, vì vậy tôm cá cũng ít, không đa dạng.
Gia đình bà Thu lúc trước đầu tư nhà máy đá lạnh để cấp đá cho các tàu cá, nhưng nay bến vắng tàu nên nhà máy cũng phải tạm dừng hoạt động.
Được biết, thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019), các tàu thuyền công suất lớn sau mỗi chuyến vươn khơi phải vào các cảng cá để xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Tuy Quảng Ngãi có nhiều vũng neo đậu tàu thuyền, điểm tàu cập bến nhưng chỉ có 3 cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc từ thủy sản khai thác, là: Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi); Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) và Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ).
Điều này không chỉ gây khó khăn cho ngư dân mà còn khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan chức năng.
Thượng úy Lâm Đình Hiếu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết: “Theo Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26 của Chính phủ 26/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, thì các phương tiện sau khi đi hành nghề về phải có xác nhận của cảng cá.
Tại xã Nghĩa An và Nghĩa Phú có hơn 1.000 tàu công suất lớn thường xuyên đánh bắt vùng khơi, nhưng lại phải vào các cảng cá khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các ngư dân mà còn khó khăn trong công tác quản lý, vì tại các cảng cá đó luôn trong tình trạng quá tải, mất trật tự.
Trong khi đó, tại bến cá sông Phú Thọ này các dịch vụ lại không thể hoạt động, nhiều người không có việc làm cũng dẫn đến các tệ nạn xã hội.”
Tàu thuyền không thể vào cửa biển, luồng lạch khiến ngư dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong trở về sau mỗi chuyến vươn khơi. Do đó, nếu tại sông Phú Thọ được xây dựng một cảng cá thì nỗi lo sẽ được thay bằng niềm vui để ngư dân chuyên tâm vươn khơi bám biển, địa phương cũng có điều kiện phát triển kinh tế./.