Nỗi lo ở các khu tái định cư mùa mưa bão
Mùa mưa bão đã cận kề, nhưng nhiều dự án tái định cư (TĐC) ở các địa phương trong tỉnh thi công chưa đảm bảo tiến độ; việc sửa chữa các hạng mục công trình tại các khu TĐC chưa kịp thời… Thực trạng trên khiến nhiều hộ dân ở các vùng sạt lở, sinh sống trong các khu TĐC xuống cấp lo lắng.
Điệp khúc “lỗi hẹn”
Nhiều năm nay, khoảng 50 hộ dân ở thôn Gỗ, xã Trà Thanh (Tây Trà) phải sống trong vùng sạt lở nên rất lo sợ. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh phê duyệt Dự án điểm định canh, định cư tập trung Nà Kpác, thôn Gỗ, xã Trà Thanh, với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng, do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 1.2017 và dự kiến hoàn thành trước tháng 5.2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hộ dân nào được bố trí vào ở khu TĐC này, khiến người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng.
Dự án điểm định canh, định cư tập trung Nà Kpáo, thôn Gỗ, xã Trà Thanh (Tây Trà) chậm tiến độ so với kế hoạch. |
Chủ tịch UBND xã Trà Thanh Hồ Văn Hùng cho biết, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa phân chia lô để người dân vào nhận đất xây dựng nhà cửa, trong khi mặt bằng và các hạng mục như điện, đường đã hoàn thành. Riêng hệ thống nước sinh hoạt thì chưa làm xong, trong khí mùa mưa bão đã chuẩn bị đến. Những năm trước, mỗi khi có mưa lớn những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở phải vào lánh nạn ở nhà văn hóa. “Đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục công trình, để người dân vào nhận đất làm nhà ở”, ông Hồ Văn Hùng kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm cho biết, toàn huyện có 5 khu và 8 điểm TĐC. Trong đó, có hai khu TĐC là Trà Ích (xã Trà Lãnh) có 25 hộ dân sinh sống, đã phát sinh một số điểm sạt lở và khu TĐC ở thôn Trà Kem (xã Trà Xinh) có 37 hộ dân sinh sống thì có bờ kè yếu. Huyện đang tập trung gia cố lại những điểm sạt lở tại hai khu TĐC này, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa, bão. Riêng với khu TĐC Nà Kpác, thôn Gỗ, xã Trà Thanh tiến độ thi công chậm so với kế hoạch đề ra, trong khi nhu cầu vào ở để tránh sạt lở của người dân là rất cấp thiết.
Còn tại huyện Sơn Tây, khu TĐC Bà Nót (thôn Măng Trẩy, xã Sơn Lập) thì nảy sinh nhiều bất cập khi thi công. Cách đây khoảng một tháng, Ban Dân tộc tỉnh (chủ đầu tư) đã bàn giao cho UBND xã Sơn Lập quản lý. Tuy nhiên, chính quyền xã Sơn Lập lại từ chối nhận công trình này. Đại diện xã Sơn Lập cho biết: Hiện có 28 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đăng ký vào ở tại khu TĐC Bà Nót. Tuy nhiên, do một số hạng mục của công trình thi công chưa đảm bảo, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân khi họ chuyển vào ở, nên xã chưa thể nhận công trình và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục, nhưng tiến độ thực hiện quá chậm…
“Các dự án TĐC Nà Kpác (thôn Gỗ, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà) và Nà Tà Kót (thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng), Bà Nót (thôn Măng Trẩy, xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây), Nước Y (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) và Đồng Tranh (thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai, huyện Minh Long) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Riêng khu TĐC Bà Nót, đang tiến hành sửa lại mái taluy bị nứt. Khu TĐC Nước Y, do năng lực của nhà thầu yếu nên tiến độ thi công rất chậm”.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
Nhiều khu TĐC xuống cấp
Hơn 20 năm trước, người dân ở các xã Bình Trị, Bình Thuận, Bình Đông (Bình Sơn) phải nhường đất để xây dựng NMLD Dung Quất. Hơn 330 hộ dân được chuyển về nơi ở mới tại khu TĐC Gò Đường, xã Bình Thanh Tây, được nhận đất để canh tác. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các hạng mục của khu TĐC Gò Đường bắt đầu xuống cấp.
Ông Nguyễn Đại, thôn An Quang, xã Bình Thanh Tây cho biết: Hồi trước, nơi đây là đất núi, nhưng sau khi san lấp mặt bằng để làm khu TĐC thì bị thấp so với mặt đường. Năm 2011, mặt đường chính trong khu TĐC tiếp tục được nâng cấp, nên khu TĐC này trở thành vùng trũng, trong khi hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, nên cứ đến mùa mưa lại “ngập lụt kéo dài”.
Khu TĐC Gò Đường có 6 điểm TĐC, đến nay đều bị xuống cấp, nhất là hệ thống thoát nước. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh Tây Huỳnh Tấn Đông cho biết: “Kinh phí sửa chữa, nâng cấp các điểm TĐC hơn 7 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Bình Sơn làm chủ đầu tư. Hiện các cơ quan chức năng của huyện đang tiến hành khảo sát và sẽ thi công trong thời gian đến”.
Được biết, trên địa bàn KKT Dung Quất có 11 khu TĐC cần được sửa chữa, với tổng vốn đầu tư khoảng 9,6 tỷ đồng, tập trung ở các xã Bình Thanh Tây, Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Thuận, Bình Chánh và Bình Hải, dự kiến sẽ khởi công vào đầu tháng 9.2018 và hoàn thành cuối năm 2018.
Riêng khu TĐC Đông sông Trà Bồng (Bình Đông) đã được hỗ trợ 84 triệu đồng, để sửa chữa và lắp đặt toàn bộ cống hộp cho tuyến mương thoát nước. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị: “Việc sửa chữa cần thực hiện nhanh và hoàn thành trước mùa mưa, để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân”.
Bài, ảnh: N.VIÊN-Đ.DIỆU