Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ bắc Dung Quất
Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ bắc Dung Quất
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.
Phối cảnh tổng thể Khu kinh tế Dung Quất 2045
Quy mô diện tích KKT Dung Quất được phê duyệt theo quy hoạch khoảng 45,3 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất liền khoảng 33,5 nghìn ha, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492ha.
Tổng thể KKT Dung Quất sẽ phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn và giàu bản sắc dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo. KKT Dung Quất được chia thành 5 phân khu chức năng, cùng Địa ốc Quảng Ngãi tìm hểu chi tiết từng phân khu.
1. Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ bắc Dung Quất:
Phạm vi:
Thuộc địa bàn các xã Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Đông, Bình Thuận, một phần xã Bình Trị của huyện Bình Sơn và mặt biển liền kề.
Tính chất, chức năng:
Là trung tâm dịch vụ, khu vực cửa ngõ phía Bắc của KKT Dung Quất, phát triển đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với dịch vụ hậu cần sân bay, cảng biển Dung Quất;
Phía Tây phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không, công nghiệp chế biến gỗ và VLXD…, gắn với trung tâm logistics và dịch vụ hậu cần cảng hàng không Chu Lai;
Phía Đông phát triển các ngành công nghiệp nặng và năng lượng như: Dầu khí, luyện cán thép, đóng tàu, điện khí, công nghiệp hỗ trợ và trung tâm dịch vụ hậu cần, kho bãi gắn với cảng biển Dung Quất. Là đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia và khu vực.
Quy mô:
+ Diện tích khoảng: 7.822 ha
+ Dân số hiện trạng: 47.488 người
+ Dân số dự báo: đến năm 2030 khoảng 70.000 người; đến năm 2045 khoảng 80.000 người.
Phân khu chức năng Khu kinh tế Dung Quất
Định hướng phát triển:
Không gian phát triển các đô thị, khu đô thị:
Phát triển khu đô thị Dốc Sỏi gắn kết không gian dịch vụ đô thị cửa ngõ của KKT phía Nam cảng hàng không Chu Lai, quốc lộ QL1 và cửa ngõ hướng cao tốc Bắc Nam – Trì Bình Dung Quất; phát triển các khu đô thị 2 bên sông Trà Bồng gắn với không gian cảnh quan hai bên sông Trà Bồng, sông Cà Ninh với các trục không gian mở hướng sông và vịnh Dung Quất;
Phát triển các dải dân dụng (khu đô thị mới) theo từng tuyến – cụm độc lập, trên cơ sở ổn định tối đa cấu trúc khu dân cư hiện trạng gắn với các dịch vụ hỗ trợ cho các khu công nghiệp, đảm bảo tính liên kết, chuyển tiếp hài hòa giữa không gian đô thị và công nghiệp một cách tối ưu nhất. Tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị cảnh quan sông Trà Bồng, Cà Ninh, núi Nam Châm.
Các khu dân cư nông thôn, làng xóm đô thị hóa: Cải tạo, nâng cấp nhằm đảm bảo ổn định dân cư 2 bên sông Trà Bồng, sông Cà Ninh, các khu dân cư xen kẹp trong các khu công nghiệp thuộc xã Bình Thạnh, Bình Chánh được kết nối đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư và khu vực phát triển mới.
Nhằm đảm bảo điều kiện môi trường và được hưởng các dịch vụ hạ tầng tốt hơn cho người dân cần tổ chức di dời, tái định cư cho người dân những khu vực chịu ảnh hưởng như: đối với khu dân cư thuộc xã Bình Thuận nằm trong khu vực phát triển mở rộng cảng Dung Quất, khu công nghiệp Đông Dung Quất và các khu dịch vụ hậu cần cảng Dung Quất, cần di dời đến nơi ở mới dự kiến tại khu đô thị mới Vạn Tường, thuộc địa bàn xã Bình Hải; khu dân cư Bắc Bình Đông tại khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhà máy xi măng Đại Việt, khu vực mở rộng giai đoạn 2 của khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát từng bước được di dời tới các khu tái tịnh cư tại Bắc Sông Cà Ninh và khu vực phù hợp;
Mạng lưới đô thị trung tâm của KKT Dung Quất
Không gian phát triển công nghiệp, cảng biển, trung tâm logistics:
Phát triển công nghiệp trên nền tảng các khu công nghiệp Đông – Tây Dung Quất hiện hữu, có sự điều chỉnh quy mô đất phát triển công nghiệp tại những khu vực chưa tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở sắp xếp lại ổn định dân cư các xã Bình Chánh, Bình Thanh và khu vực phát triển khu đô thị dịch vụ hậu cần gắn với cảng hàng không Chu Lai.
Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp nặng gắn với các bến cảng chuyên dụng, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp khác gắn với trục giao thông Dốc Sỏi – Dung Quất, Trì Bình – Dung Quất và trục đường Võ Văn Kiệt, Dốc Sỏi – Hoàng Sa.
Phát triển cảng Dung Quất đồng bộ, hiện đại, đảm bảo công suất theo thiết kế và phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần gắn với cảng Dung Quất, hình thành các trung tâm logistics (trung tâm logistics gắn với cảng hàng không Chu Lai; trung tâm logistics gắn với cảng Dung Quất), các trung tâm dịch vụ tổng hợp phục vụ cho KKT Dung Quất, vùng phụ cận và quốc gia.
Không gian phát triển du lịch: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, TDTT gắn với du lịch biển Bình Thạnh; phát triển du lịch sinh thái, TDTT khu vực phía Đông gắn với khu dịch vụ hậu cần cảng, trên cơ sở khai thác cảnh quan thiên nhiên rừng, biển và sự đa dạng sinh thái của rừng ngập mặn đầm Thuận Phước, Núi Nam Châm, Chóp Chài, Bãi Bần.
Định hướng phát triển phân khu đô thị công nghiệp Bắc Dung Quất
Không gian xanh, sinh thái:
Phát triển không gian cây xanh, mặt nước với hành lang thoát lũ sông Trà Khúc, hình thành công viên, hồ điều hòa phía Bắc gắn với khu đô thị Dốc Sỏi, cửa ngõ phía Bắc khu kinh tế.
Phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Khai thác sử dụng hiệu quả rừng ngập mặn đầm Thuận phước vào phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường. Hình thành các dải cây xanh cách ly giữa các khu công nghiệp với khu dân cư theo quy định.
Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng: Tăng cường dịch vụ đô thị, dịch vụ phục vụ du lịch, đa dạng các loại hình ở (nhà ở xã hội, chuyên gia…).
Tăng cường vận tải hành khách công cộng (đường sắt đô thị – buýt nhanh); hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối cao tốc Bắc Nam, nâng cấp, mở rộng tuyến Trì Bình – Cảng Dung Quất; xây dựng tuyến đường sắt nhẹ kết nối KKTM Chu Lai – cảng hàng không Chu Lai – KKT Dung Quất – thành phố Quảng Ngãi; xây dựng tuyến đường trục KKT kết nối Chu Lai – Dung Quất – thành phố Quảng Ngãi (trục Dốc Sỏi – Hoàng Sa); xây dựng tuyến giao thông kết nối cửa ngõ phía Nam Cảng hàng không Chu Lai với đường Trì Bình, quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Nam.
Thiết kế đô thị:
Khai thác cảnh quan sông Trà Bồng, biển Khe Hai, biển Dung Quất tạo các trục không gian xanh hướng sông, biển; không gian kiến trúc đô thị thấp tầng và cao dần về phía Nam với tầng cao không quá 15 tầng; kiến trúc khu ở dân cư mới mang tính đồng bộ hiện đại, đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu vực, phù hợp với tính chất của mỗi khu đô thị, đặc biệt đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu.