Quảng Ngãi: Hút nhà đầu tư vào dự án trọng điểm
Quảng Ngãi: Hút nhà đầu tư vào dự án trọng điểm
Với tiềm năng sẵn có cùng chính sách hợp lý, linh hoạt của chính quyền địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm đến ấn tượng trên bản đồ thu hút đầu tư của khu vực miền Trung.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.869 tỷ USD; 650 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 296.760 tỷ đồng.
Một góc cảng cá Sa Huỳnh, Thị xã Đức Phổ; Ảnh: Zing.vn
Ngành công nghiệp bứt phá ngoạn mục
Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi đã quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội của tỉnh. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đã đến Quảng Ngãi đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Điển hình như: Nhà máy sản xuất, gia công giày dép và khuôn giầy Hiệp Ích Việt Nam; Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất; Nhà máy sản xuất trang phục Mensa Tịnh Phong; Nhà máy sản xuất đồ nội ngoại thất Omegia Dung Quất… Đây là những dự án được cấp mới, hứa hẹn tạo nên bức tranh về công nghiệp Quảng Ngãi sôi động, đa dạng sản phẩm và mang lại sự bứt phá ngoạn mục cho ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, một số dự án thuộc lĩnh vực du lịch cũng được cấp phép đầu tư vào Quảng Ngãi như: Khu nghỉ dưỡng King Bay Sa Huỳnh (1.000 tỷ) do Công ty CP Đầu tư bất động sản và du lịch quốc tế King Bay làm chủ đầu tư; Khu du lịch Thạch Ky Điếu Tẩu (500 tỷ) do Liên danh Công ty CP Blacksoil Việt Nam và Công ty CP du lịch sinh thái Phú Yên làm chủ đầu tư…
Tận dụng tối đa các nguồn lực
Bà Trần Thị Mỹ Ái chia sẻ, để công tác xúc tiến thu hút đầu tư thời gian được thành công, môi trường đầu tư của tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong mời gọi, thu hút nhà đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, các đợt quảng bá nhân các sự kiện ở các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Đồng thời, vận dụng tối đa các cơ chế đặc thù của tỉnh để thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi.
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư đến với địa phương. Trước hết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, tiện ích, đất đai và đô thị. Quảng Ngãi sẽ tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng từng bước yêu cầu cấp thiết của việc triển khai các dự án quy mô lớn. Đồng thời, từng bước hình thành quỹ đất sạch giúp cho việc tiếp nhận và triển khai các dự án qui mô vừa và lớn trong những năm tiếp theo được nhanh chóng và thuận lợi hơn; thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, kinh doanh phát triển hạ tầng khu công nghiệp nhằm thu hút các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp.
“Cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các dự án có quy mô lớn, có tính chất quan trọng như: Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án KCN VSIP Quảng Ngãi mở rộng, dự án Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất, dự án KCN nhẹ Bình Hòa-Bình Phước… Quảng Ngãi cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng xây dựng giải pháp để thu hút lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp đã và đang đăng ký đầu tư” – bà Trần Thị Mỹ Ái cho hay.
Chiến lược thu hút đầu tư của Quảng Ngãi
* Tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các dự án có nhu cầu quỹ đất rộng,các dự án hạ tầng KCN, cảng biển, logistic, các dự án gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ…
* Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi và các công ty kinh doanh hạ tầng để tập trung thu hút các dự án công nghiệp nhẹ vốn FDI, vốn dịch chuyển từ các KCN phía Nam và phía Bắc vào KCN đô thị, dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, các dự án FDI từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore….
* Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hướng đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp chất lượng cao.
* Tăng cường xúc tiến đầu tư theo quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư tại tỉnh hoặc có thế mạnh về những ngành nghề phù hợp với lợi thế cạnh tranh của KKT Dung Quất như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ và các nước EU…