Quảng Ngãi điểm đến đầu tư hấp dẫn
Sau 30 năm tái lập tỉnh (1989), Quảng Ngãi đã có những đổi thay vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Đặc biệt, thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư (XTĐT), cùng những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nỗ lực quảng bá, kêu gọi đầu tư
Những năm đầu mới tái lập tỉnh cũng là thời điểm Luật Đầu tư nước ngoài mới được ban hành (1987). Dù còn gặp nhiều khó khăn, song Quảng Ngãi không ngừng quảng bá những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế cảng biển nước sâu, nguồn lao động dồi dào và những chính sách ưu đãi của tỉnh… để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp (DN) có nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina là dự án FDI có số vốn lớn nhất và thành công nhất tại KKT Dung Quất. ẢNH: Nguyễn Đăng Lâm |
Nhờ đó, đến nay sau 30 năm tái lập tỉnh, những sản phẩm được sản xuất tại Quảng Ngãi, mang thương hiệu “made in Vietnam” đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina (vốn đầu tư 315 triệu USD), không chỉ sản xuất ra hàng nghìn tấn sản phẩm xuất đi khắp các nơi trên thế giới, mà còn “kéo theo” nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc về đầu tư tại Khu Công nghiệp Dung Quất.
Hay như dự án Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (vốn đầu tư gần 140 triệu USD), đến nay đã thu hút gần 20 dự án đầu tư thứ cấp đến từ 9 quốc gia vào đầu tư. Các dự án FDI này không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, mà còn góp phần quảng bá “thương hiệu Quảng Ngãi” để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trên thế giới đến Quảng Ngãi tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Cùng với quảng bá, kêu gọi đầu tư, những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo động lực thu hút đầu tư. Trong đó, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hoàn thành trong năm 2018 đã rút ngắn thời gian đi lại, tạo thuận lợi mới trong việc thu hút đầu tư vào tỉnh.
“Công tác XTĐT phải đổi mới theo hướng ưu tiên thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đầu tư nhanh gọn, kịp thời. Tổ chức XTĐT có trọng tâm, trọng điểm, theo đối tượng và địa chỉ cụ thể. Tập trung thu hút các dự án từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư từ các nước Mỹ, Pháp, Đức…”. Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG |
Đổi mới toàn diện hoạt động xúc tiến đầu tư
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Nguyễn Đức Thạnh cho biết: Thời gian qua, Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới hoạt động XTĐT một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN. Các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư, dự án mới trong và ngoài nước tìm đến Quảng Ngãi.
Năm 2018, Quảng Ngãi đã đón một số nhà đầu tư lớn đến khảo sát môi trường đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn FLC đến khảo sát, lập dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Đến thời điểm này, Tập đoàn FLC đã được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cấp chủ trương đầu tư 5 dự án vào khu đô thị Vạn Tường, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 12.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn đã và đang được triển khai, đưa vào hoạt động như: Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hoà Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát; Tổ hợp Vincom Shophouse Quảng Ngãi của Tập đoàn Vingroup; Thành phố Giáo dục quốc tế của Tập đoàn Nguyễn Hoàng… Đây là những dự án lớn, hứa hẹn sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm đến.
Cùng với XTĐT, công tác cải cách hành chính và hỗ trợ DN cũng được Quảng Ngãi hết sức chú trọng, ngày càng được đơn giản hóa, rõ ràng, công khai, minh bạch. Tỉnh đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, cộng đồng DN, các nhà đầu tư qua hình thức cà phê doanh nhân và đối thoại DN hằng quý để lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của DN. Qua đó, tạo lực hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Ngãi.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 58 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 1,5 tỷ USD. Riêng với dự án đầu tư trong nước, toàn tỉnh có 518 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 232 nghìn tỷ đồng và đã có 231 dự án đi vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Đức Thạnh, với chức năng là cơ quan đầu mối xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, thời gian đến, Trung tâm tiếp tục XTĐT theo nguyên tắc quan tâm tới nhu cầu của nhà đầu tư. Xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng điểm, địa bàn động lực, nhà đầu tư chiến lược và các dự án có tính động lực, lan tỏa cao. Qua đó, trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu các dự án cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và lợi ích của các nhà đầu tư.
Việc thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng của tỉnh; tập trung thu hút các dự án cảng biển và hệ thống logistics; đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sạch; công nghiệp hóa dầu; công nghiệp chế biến, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp phụ trợ, các dự án ít gây ô nhiễm môi trường…
MINH THẢO/ baoquangngai.vn