QH KKT DUNG QUẤT đến 2045 có gì mới?
QH KKT DUNG QUẤT đến 2045 có gì mới?
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.
Quy mô diện tích KKT Dung Quất được phê duyệt theo quy hoạch khoảng 45,3 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất liền khoảng 33,5 nghìn ha, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492ha. Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên hoặc một phần diện tích của 17 xã, thị trấn thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh); toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi); toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề.
Định hướng phát triển không gian:
KKT Dung Quất được chia thành 5 phân khu chức năng, gồm:
- Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ bắc Dung Quất;
- Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ – Bình Long;
- Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ nam Dung Quất;
- Phân khu đô thị, dịch vụ đông nam Dung Quất và
- Phân khu đô thị Lý Sơn.
Tổng thể KKT Dung Quất sẽ phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn và giàu bản sắc dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo.
Không gian phát triển mới của các khu chức năng trong KKT Dung Quất cũng được điều chỉnh, sắp xếp. Trong đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung. Cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608ha. Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14 nghìn ha.
Định hướng phát triển đô thị:
Phấn đấu đến năm 2025, huyện Lý Sơn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV. Toàn huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị xã Bình Sơn trực thuộc tỉnh.
Giai đoạn 2026 – 2035, huyện Lý Sơn phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV và đô thị Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III.
Bước sang giai đoạn 2036 – 2045, Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng nâng cao cho các đô thị, hướng tới thành lập 2 TP.Bình Sơn và Lý Sơn trực thuộc tỉnh; từng bước hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…
Định hướng phát triển hệ thống giao thông:
– Giao thông đường bộ:
+ Cao tốc Quảng Nam – Quảng Ngãi (CT22): Điểm cuối tuyến trùng với quốc lộ 24C giao với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đoạn còn lại đi trùng với quốc lộ 24C, là đường đô thị tốc độ cao.
+ Quốc lộ 1; quốc lộ 24B: Quy mô tối thiểu 4 làn xe, đoạn qua đô thị theo quy mô mặt cắt đô thị; quốc lộ 24C (đường Võ Văn Kiệt): đường đô thị tốc độ cao với 6 làn xe và làn đường gom 2 bên, Bn = 60,5 m.
+ Xây dựng 02 bến xe đạt tiêu chuẩn loại I, 01 trạm dừng nghỉ tại nút giao Trì Bình, 01 bãi đỗ xe tải cho khu bến cảng Dung Quất.
– Giao thông đường sắt: Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có, nâng cấp cải tạo và mở rộng 2 ga chính là ga Trì Bình và ga Bình Sơn; xây mới tuyến đường sắt chuyên dùng và tuyến đường sắt đô thị (vận chuyển hành khách khối lượng lớn).
– Hàng hải:
+ Cảng Dung Quất: Các khu bến cảng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ theo quy hoạch ngành quốc gia; là khu bến tổng hợp, bến container, bến chuyên dụng, phục vụ Khu kinh tế Dung Quất và vùng phụ cận.
+ Cảng Sa Kỳ: Tiếp tục được đầu tư nâng cấp thành cảng tổng hợp.
+ Bến Vạn Tường và bến Bình Châu được xây dựng với chức năng là bến tàu khách du lịch.
+ Khu cảng Lý Sơn được xây dựng, nâng cấp đồng bộ gồm: cảng tổng hợp Lý Sơn và An Bình; cảng hành khách An Vĩnh và cảng hành khách Quốc tế (phía Nam sân bay Lý Sơn).
Đường thủy nội địa:
Cảng Tịnh Hòa và cảng Tịnh Kỳ là cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền trú bão, đáp ứng nhu cầu của dân cư hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản; cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Sa Cần tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; cảng cá sông Trà Bồng tại xã
Bình Đông, huyện Bình Sơn.
– Giao thông đường hàng không: Xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn là sân bay lưỡng dụng kết hợp giữa sân bay quân sự và sân bay dân dụng cấp 4C, năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm.
Các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng:
a) Các dự án do trung ương đầu tư trên địa bàn:
Dự án trung tâm Điện lực Dung Quất; dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 24C, quốc lộ 24B, tuyến đường cao tốc Quảng Nam – Quảng Ngãi (CT22) và các nút giao Bình Long, Trì Bình, Tịnh Thọ với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi…
b) Các dự án do tỉnh quản lý:
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu dân cư, tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng các khu chức năng; đầu tư hoàn thiện hệ thống nghĩa trang theo quy hoạch; hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển; cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh, xây mới các tuyến trục liên khu chức năng, khớp nối các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch theo quy hoạch; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
c) Các dự án kêu gọi đầu tư:
Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các dự án sản xuất công nghiệp của nhà đầu tư thứ cấp; các dự án đầu tư đô thị – dịch vụ, khu du lịch biển, công viên và khu vui chơi giải trí,… dự án đầu tư xây dựng, khai thác bến xe khách, xe buýt, bến tàu phục vụ du lịch, đường sắt đô thị; dự án cảng hàng không Lý Sơn; dự án chợ đầu mối Tịnh Phong; dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến đường giao thông đô thị; dự án phát triển nhà ở (gồm nhà ở xã hội); dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải các khu công nghiệp; dự án nâng cấp hệ thống cấp nước; nhà máy xử lý và tái chế rác thải theo công nghệ hiện đại.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế:
– Tập trung nâng cao giá trị các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn (công nghiệp lọc hóa dầu, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển…); phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đầu tư, phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái.
– Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công; trong đó tập trung phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hình thành và phát triển khu du lịch quốc gia (Lý Sơn – Bình Châu – Mỹ Khê), đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tiếp tục ưu tiên phát triển ngành dịch vụ thiết yếu; khuyến khích phát triển các loại dịch vụ mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn, đầu tư phát triển hệ thống chợ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
– Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp; kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan biển đảo, công viên địa chất và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của Khu kinh tế. Đẩy mạnh kết nối du lịch Khu kinh tế Dung Quất với các trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực bằng hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc, đường bộ ven biển, đường thủy, đường biển, đường hàng không. Hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế tại khu vực bãi tắm Khe Hai, đầm Thuận Phước, Lệ Thủy, Gành Yến, Bình Châu, Lý Sơn. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước hình thành khu du lịch trọng điểm quốc gia Lý Sơn – Bình Châu – Mỹ Khê.
– Quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có năng suất chất lượng cao, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, quỹ đất của khu kinh tế. Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Bình Phước, Bình Chánh,
Bình Dương và huyện Lý Sơn; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.
– Phát triển, quản lý và khai thác hợp lý diện tích rừng phòng hộ ven biển, kết hợp sử dụng vào các mục đích công cộng và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.
Theo dõi & Link về
[…] QH KKT DUNG QUẤT đến 2045 có gì mới? […]
Comments are closed.