Kết quả kế hoạch phát triển nhà ở Quảng Ngãi 2021-2023
Kết quả kế hoạch phát triển nhà ở Quảng Ngãi 2021-2023
Theo đánh giá tiến độ thực hiện của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã lựa chọn được chủ đầu tư, đang triển khai dự kiến theo kế hoạch trong các năm 2021, 2022 và 2023 có thể cung cấp ra thị trường 6.166 lô đất nền đủ điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng với tổng diện tích đất ở khoảng 782.710 m2.
1. Kết quả thực hiện các mục tiêu về phát triển nhà ở:
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về số lượng nhà ở và diện tích sàn nhà ở tăng thêm trong năm 2023 đặt ra là 9.764 căn nhà và 1.270.149 m2 sàn nhà ở. Thực tế thực hiện, trong năm 2023, số lượng nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh là 4.626 căn nhà, đạt khoảng 47,4% mục tiêu kế hoạch và diện tích sàn nhà ở tăng thêm 918.179 m2, đạt khoảng 71,8% mục tiêu kế hoạch.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong các năm 2021, 2022 và 2023, mục tiêu về số lượng nhà ở và diện tích sàn nhà ở tăng thêm đặt ra là 18.971 căn nhà và 2.666.074 m2 sàn nhà ở. Thực tế thực hiện lũy kế trong 03 năm, số lượng nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh là 13.122 căn nhà, đạt khoảng 69,2% mục tiêu kế hoạch và diện tích sàn nhà ở tăng thêm 2.298.582 m2, đạt khoảng 85,5% mục tiêu kế hoạch.
[1] Do Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 được lập năm 2022 nên số liệu năm 2021 là kết quả thực hiện thực tế.
Số lượng nhà ở và diện tích sàn nhà ở tăng thêm trong năm 2023 và lũy kế trong 03 năm 2021-2023 chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch xuất phát chủ yếu từ hai nguyên nhân:
– Thứ nhất, là do điều kiện kinh tế còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và đang trong giai đoạn phục hồi nên khả năng chi trả cho nhà ở của người dân còn hạn chế.
– Thứ hai, là do quy mô dân số chưa đạt được như kỳ vọng dẫn tới nhu cầu về nhà ở gia tăng chậm làm hạn chế động lực thúc đẩy phát triển về nhà ở. Theo kế hoạch, dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2023 đạt khoảng 1.274.206 người nhưng thực tế ước tính dân số toàn tỉnh năm 2023 chỉ đạt khoảng 1.247.783 người.
2. Phát triển nhà ở thương mại:
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong các năm 2021-2023, trên địa bàn tỉnh dự kiến chưa có sản phẩm nhà ở thương mại([1]) hoàn thiện, cung cấp ra thị trường. Trong giai đoạn 2024 – 2025, dự kiến các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có khoảng 3.600 căn nhà ở thương mại dạng nhà riêng lẻ được hoàn thiện, cung cấp ra thị trường với tổng diện tích sàn khoảng 900.000 m2.
Thực tế thực hiện, trong giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm nhà ở thương mại hoàn thiện, cung cấp ra thị trường mà chỉ mới có sản phẩm là đất nền đủ điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng; điều này phù hợp với mục tiêu kế hoạch đặt ra.
Theo đánh giá tiến độ thực hiện của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã lựa chọn được chủ đầu tư, đang triển khai dự kiến theo kế hoạch trong các năm 2021, 2022 và 2023 có thể cung cấp ra thị trường 6.166 lô đất nền đủ điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng với tổng diện tích đất ở khoảng 782.710 m2. Tuy nhiên, thực tế các dự án này trong 03 năm mới chỉ cung cấp được 1.710 lô đất nền đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng với tổng diện tích đất ở khoảng 229.038 m2.
Như vậy, có thể thấy các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị hiện nay đang chậm tiến độ so với dự kiến, cần có các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đảm bảo lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên người dân chủ yếu lựa chọn các sản phẩm có mức giá phù hợp nên sản phẩm đất nền để chuyển quyền sử dụng đất tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị là lựa chọn được ưu tiên hơn so với sản phẩm nhà ở thương mại. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn và có khả năng tác động làm hạn chế việc thực hiện mục tiêu về phát triển nhà ở thương mại trong giai đoạn 2021-2025.
[1] Nhà ở thương mại là nhà ở do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đầu tư xây dựng để kinh doanh theo cơ chế thị trường.
3. Phát triển nhà ở xã hội:
Trong giai đoạn 2021 – 2023, trên địa bàn tỉnh có 02 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã lựa chọn được chủ đầu tư, cụ thể:
– Nhà ở xã hội thuộc dự án khu đô thị dịch vụ VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 1 -giai đoạn 1A tại phường Trương Quang Trọng và xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi;
– Nhà ở xã hội thuộc dự án khu dịch vụ hỗn hợp VSIP Quảng Ngãi tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
Tuy nhiên, các dự án này đến nay chưa có sản phẩm hoàn thiện, đủ điều kiện giao dịch.
Bên cạnh đó, có thêm 05 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được chấp thuận chủ trương đầu tư mới, trong đó có bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân:
Có thể thấy, công tác phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2023 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn và vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, cụ thể:
– Thứ nhất, về phát triển diện tích nhà ở, diện tích sàn nhà ở tăng thêm trong các năm 2022, 2023 chưa đạt so với mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô dân số thực tế thấp hơn so với dự báo dẫn tới hạn chế một phần nhu cầu xây dựng nhà ở.
– Thứ hai, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh vượt so với mục tiêu đặt ra nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị lại chưa đạt. Nguyên nhân chủ yếu là do sự dịch cư nội tỉnh từ khu vực nông thôn tới khu vực đô thị có sự gia tăng đột biến nên công tác phát triển nhà ở tại khu vực đô thị chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu gia tăng dẫn tới diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị gia tăng chậm và không đạt mục tiêu đặt ra.
– Thứ ba, cơ cấu sản phẩm hoàn thành tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có sự lệch pha khi tập trung vào loại hình đất nền để chuyển quyền sử dụng đất dẫn tới việc sản phẩm nhà ở thương mại chưa được chú trọng đầu tư xây dựng, cung cấp cho thị trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều này lại phù hợp với thực tế nhu cầu thị trường do tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh COVID-19, nên người dân có xu hướng tìm tới những sản phẩm có giá thành phù hợp.
– Thứ tư, công tác kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong giai đoạn 2021-2023 chưa có sản phẩm nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp ra thị trường. Vấn đề này xuất phát từ 2 nguyên nhân:
+ Lợi nhuận từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thấp, kém hấp dẫn so với loại hình nhà ở thương mại;
+ Có sự hạn chế trong các ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án do thực tế những cơ chế ưu đãi theo quy định chủ yếu tập trung làm giảm giá thành nhà ở xã hội nên người thụ hưởng thực tế là người mua, thuê, thuê mua. Đặc biệt hiện nay, sau khi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 có hiệu lực, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội không còn được ưu đãi dành 20% tổng diện tích đất để đầu tư công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng).