Ồ ạt xin lập các dự án đô thị mini

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, hàng loạt nhà đầu tư xin lập các dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các dự án sử dụng diện tích đất khá khiêm tốn, điều này đang gây ra những lo ngại trong việc phá vỡ quy hoạch cũng như ảnh hưởng đến thị trường bất động sản (BĐS).

Xu hướng “tiểu đô thị”

Những năm qua, hàng loạt các dự án KDC, đô thị, dịch vụ được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã góp phần rất lớn tạo bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập đằng sau các dự án này. Đơn cử như Dự án KĐT Phú Mỹ (Tập đoàn HUD), KDC Sơn Tịnh (Công ty 577) hay Dự án Khu thương mại – dịch vụ Vina Universal Paradise của Tập đoàn Tân Tạo… sau thời gian khởi động rầm rộ, đến nay đang “chết yểu”. Đây là những dự án có quy mô lớn, chủ đầu tư là những tập đoàn có tên tuổi,  nhưng vẫn bị “treo” nhiều năm.

ád Ồ ạt xin lập các dự án đô thị mini

Nút giao giữa đường Lê Lợi và khu đô thị Nam Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi) trở thành nút thắt cổ chai và thiếu sự kết nối liên hoàn với khu đô thị Bắc Lê Lợi.

“Rút kinh nghiệm” từ các dự án lớn, thời gian gần đây các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tìm đến Quảng Ngãi xin đầu tư các dự án KDC theo dạng “tiểu đô thị”. Theo lý giải của một nhà đầu tư, các dự án “vừa nhỏ, vừa gọn” có lợi đủ điều, trong đó vốn đầu tư không lớn, lượng đất nền ít, nên khi san lấp xin quy hoạch mỏ vật liệu cũng dễ hơn. Và một lợi thế khác là chiếm được vị trí đẹp, nên khi hình thành, chủ đầu tư dễ dàng rao bán.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 32 dự án KDC, KĐT có diện tích 349,9ha, với tổng vốn đăng ký 4.738 tỷ đồng. Dạo quanh một vòng TP.Quảng Ngãi và các thị trấn, thị tứ, các phường, xã trên địa bàn tỉnh, người dân dễ dàng bắt gặp những dự án “tiểu đô thị” mọc lên khá nhiều. Có dự án diện tích từ 7ha trở lại, nhưng cũng có những dự án diện tích tổng thể chưa đầy… 1ha.

Cấp phép nhiều, hoàn thành ít

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 46 dự án KDC, KĐT được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư, diện tích đất quy hoạch gần 950ha, tổng vốn đăng ký 13.595 tỷ đồng. Đến nay đã bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 500ha và hơn 278ha đã triển khai xây dựng. Trong 46 dự án thì mới chỉ có 4 dự án hoàn thành, số còn lại đang đầu tư, chưa đầu tư hoặc vừa đầu tư vừa bán đất.

Đơn cử như Dự án KDC Đông Phương (Nghĩa Hà) diện tích chưa đầy 6,5ha. Dự án KDC đô thị An Điền Phát Quảng Ngãi tại thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) do Công ty TNHH An Điền Phát Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với quy mô khoảng 4,9ha. Cũng tại La Hà, Dự án Chỉnh trang KDC phía đông cầu Bàu Giang có diện tích quy hoạch gần 2,2ha. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Mộ Đức các dự án: KDC Phước Thịnh chỉ rộng 1,53ha, KDC Quảng trường thị trấn Mộ Đức 1,95ha, KDC dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng 1,15ha. Còn tại TP.Quảng Ngãi, KDC phía bắc Trường ĐH Phạm Văn Đồng 1,78ha, thậm chí KDC phía đông-nam Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ chỉ 0,67ha.

Chưa biết các dự án này sẽ góp phần chỉnh trang đô thị như thế nào, nhưng hệ lụy từ các “tiểu đô thị” thì đã rõ. Dự án đổ đất cao gây ngập nặng cho vùng xung quanh, KDC hiện hữu lâu nay không gian thoáng đãng nay nhìn… vào đuôi nhà người khác. Ngoài ra, phương tiện chở vật liệu thi công các dự án này thường chở quá khổ, làm rơi vãi trên đường và hạ tầng giao thông nhanh xuống cấp.

Hàng nghìn lô đất “tồn kho”?

Việc đầu tư các dự án KDC, KĐT trên địa bàn tỉnh dường như đang trở thành “hội chứng”, nên nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng đổ xô xin cấp phép xây dựng KĐT, KDC. Điều đáng nói là việc quản lý, đầu tư các KĐT, KDC trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, có nơi còn buông lỏng. Đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp từ việc chuyên kinh doanh những lĩnh vực khác như làm đường giao thông, làm du lịch bỗng dưng “nhảy” sang làm BĐS. Trong khi đó, năng lực nhiều nhà đầu tư lại có hạn, nên nếu không quản lý đầu tư chặt chẽ, thì nguy cơ đất vàng bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Có một nghịch lý là tỷ lệ đất nền rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêu thụ lại khá thấp. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn quyết tâm xin đất lập dự án. Đây là vấn đề lớn, có thể khiến cho thị trường BĐS khủng hoảng thừa, nếu không có phương án quản lý hiệu quả. Theo thống kê, trong số 46 dự án BĐS được chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng cộng 24.011 lô đất, đến nay đã đầu tư hạ tầng được 7.143 lô, có 3.176 lô đã chuyển nhượng và 3.967 lô “tồn kho”.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

5/5 - (1 bình chọn)