Quảng Ngãi cần thiết phát triển đô thị
Năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ngãi là 20,37%, trong khi bình quân cả nước đã đạt 38,4%. Như vậy, so với cả nước tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ngãi còn rất thấp, thậm chí ngang bằng với các tỉnh miền núi phía Bắc. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, Quảng Ngãi cần sớm thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị.
TP Quảng Ngãi sẽ được tập trung phát triển đạt chuẩn đô thị loại II, là đô thị trung tâm và tạo lan tỏa cho những đô thị lân cận |
Rào cản cho sự phát triển
Đánh giá chung về quá trình phát triển đô thị của tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: “Nhìn từ thực tế cho thấy, năm 2018 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 20,37%; kế hoạch năm 2019 là 21,27% và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải đạt 23%. Trong khi bình quân cả nước đến cuối năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 38,4%. Như vậy, so với mục tiêu đề ra và so với sự phát triển chung của cả nước, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ngãi còn thấp, cần có kế hoạch phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Lý giải về nguyên nhân của tỷ lệ đô thị hóa chậm, ông Nguyễn Phong – Giám đốc sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là sau khi tách tỉnh vào năm 1989, cơ sở hạ tầng của Quảng Ngãi rất yếu kém. Lý do nữa là đô thị trung tâm của tỉnh – TP Quảng Ngãi chưa đảm nhận vai trò là động lực lan tỏa. Từ khi trở thành đô thị loại II vào năm 2014, TP Quảng Ngãi mới bắt đầu dịch chuyển dần cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại dịch vụ”.
Theo ông Phong, việc đô thị hóa chậm đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế của tỉnh. Thông thường, đô thị phát triển bao giờ cũng kéo theo sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật xã hội như giao thông, điện, nước, dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng… và đó chính là động lực phát triển của cả nền kinh tế. Ngược lại, sự trì trệ, tốc độ phát triển của đô thị chậm chính là rào rản cho sự phát triển hạ tầng, khiến sức hút đầu tư yếu đi, cũng là nguyên nghân khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, đời sống nhân dân khó khăn.
Giải pháp cho phát triển đô thị
Thực trạng tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn bình quân chung của cả nước đã đặt ra cho Quảng Ngãi yêu cầu phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt.
Theo ông Nguyễn Kim Hiệu- nguyên Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học – Kỹ thuật Quảng Ngãi, để phát triển đô thị, Quảng Ngãi cần có vốn, có quy hoạch và năng lực quản lý tốt. Ngoài huy động nguồn lực thì cần có tầm nhìn chiến lược, kết hợp phát triển công nghiệp – dịch vụ. Công nghiệp – dịch vụ chưa phát triển thì đô thị chưa thể phát triển. Thực tế là Quảng Ngãi đi lên từ một tỉnh thuần nông, phải phát triển công nghiệp và dịch vụ thì mới đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Trước đây, công nghiệp ở tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng nên tỷ lệ đô thị hóa không cao. Đặc biệt, Quảng Ngãi vẫn chưa có dự án về du lịch nào đủ lớn và có sức lan tỏa để tạo động lực phát triển. Do đó, trong thời gian tới cần phải đầu tư mạnh hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ.
Vài năm trở lại đây, từ sức hút của khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp khác như Tịnh Phong, VSIP… khiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn tìm về Quảng Ngãi, hàng loạt dự án mới được khởi động, xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Đó chính là nguyên nhân khiến nhu cầu về nhà ở, đất ở tăng đột biến. Tuy nhiên, tỉnh không đủ nguồn lực để xây dựng các khu đô thị, khu dân cư đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phối cảnh một dự án được triển khai ở TP Quảng Ngãi |
Về vấn đề nguồn vốn phát triển đô thị, Giám đốc sở Xây dựng bày tỏ quan điểm, để phát triển đô thị cần phải đẩy mạnh kêu gọi đầu tư. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đều tập trung phát triển đô thị, nhất là TP Quảng Ngãi. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, Đề án phát triển đô thị trung tâm (TP Quảng Ngãi) giai đoạn 2010- 2015 cần khoảng 37.000 tỷ đồng, nhưng thực tế cả giai đoạn này đầu tư cho đô thị chỉ đạt khoảng 3.500 tỷ, bằng 1/10 nhu cầu. Còn trong chương trình phát triển đô thị của TP Quảng Ngãi giai đoạn 2016- 2020, dự kiến nguồn vốn xây dựng hạ tầng khung cho phát triển đô thị cần 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách từ 15-20%. Nhưng thực tế trong thời gian qua, vốn ngân sách chỉ chiếm rất thấp, từ 5-7%.
“Do đó, tỉnh xác định giải pháp tối ưu cho phát triển đô thị là kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào đô thị, tập trung vào việc phát triển TP Quảng Ngãi đạt chuẩn đô thị loại II, là đô thị trung tâm và tạo lan tỏa cho những đô thị lân cận. Thành phố sẽ là nơi trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ cho người dân, cho khu kinh tế Dung Quất. Đồng thời, tỉnh còn tiếp tục phát triển khu kinh tế Dung Quất thành nơi cung cấp dịch vụ sau công nghiệp”, ông Phong cho biết.
Thực tế hiện nay, việc phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như V.SIP, Tịnh Phong và KKT Dung Quất… đã thu hút một lượng lớn dân cư về cư trú trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi. “Để giảm gánh nặng cho hạ tầng đô thị cũng như không phá vỡ quy hoạch của thành phố, tỉnh Quảng Ngãi định hướng tập trung phát triển các dự án phục vụ nhà ở, đất ở cho lao động tại khu đô thị Vạn Tường. Phấn đấu đến năm 2025 Vạn Tường đạt đô thị loại IV và dân cư đô thị cũng tương đương đô thị loại I. Hiện nay, Sở Xây dựng phối hợp với ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đề xuất với tỉnh khuyến khích các đơn vị có dự án tại khu kinh tế Dung Quất thì đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án ngay tại Vạn Tường”, ông Phong thông tin.
Chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi
Ông Nguyễn Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, tỉnh luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư. Thực tế trong thời gian qua, khó khăn các nhà đầu tư đang gặp phải là bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, việc bồi thường do chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân. Tuy nhiên có nhiều trường hợp chỉ còn vướng một vài hộ dân chưa thống nhất giá bồi thường, cả dự án lớn vài chục héc ta đành ngưng trệ, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm.
“Để khắc phục vấn đề này, sở đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp địa phương sở tại để tháo gỡ về cơ chế bồi thường, đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Sở Xây dựng cũng đang cập nhật, tham mưu tỉnh điều chỉnh cơ chế bồi thường cho phù hợp với thực tế và nguyện vọng người dân”, ông Phong chia sẻ.