Kinh tế Quảng Ngãi sau 30 năm tái lập tỉnh
Kinh tế Quảng Ngãi phát triển vượt bậc sau 30 năm tái lập tỉnh
Cuối năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Nghĩa Bình để tái lập tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Như vậy, sau 14 năm hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi chính thức tái lập từ ngày 01/7/1989, đến ngày 01/7/2019 tròn 30 năm.
Đôi điều khi mới tái lập tỉnh
Sau khi tái lập, cán bộ và nhân dân trong tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, chung sức đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế – xã hội; nhất là kinh tế phát triển vượt bậc.Tỉnh đang phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trung tâm nhà máy lọc dầu Dung Quất
Thời điểm tái lập, Quảng Ngãi có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm Thị xã Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ, với tổng số 164 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên 5.155,78 km². Chiều dài của tỉnh theo hướng Bắc – Nam khoảng 100km, chiều rộng theo hướng Đông – Tây khoảng hơn 60km. Bờ biển Quảng Ngãi dài gần 130km. Năm 1989, dân số tỉnh Quảng Ngãi có 1.041.900 người, gồm các dân tộc Kinh, H’re, Cor, Cadong. Sau khi tái lập tỉnh đã tạo sự hồ hởi, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo điều kiện phát huy những tiềm năng, thế mạnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 01 thành phố, 06 huyện đồng bằng, 06 huyện miền núi và 01 huyện đảo. Có 03 đơn vị hành chính được thành lập mới là: Lý Sơn, Sơn Tây và Tây Trà. Toàn tỉnh hiện có 184 xã, phường, thị trấn. Dân số tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 là 1.272.800 người.
Một góc thành phố Quảng Ngãi hôm nay
Công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham đưa nguồn nước về tưới cho các huyện đồng bằng trong tỉnh.
Khi mới tái lập, Quảng Ngãi là tỉnh thuần nông, là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đất sản xuất phần lớn bạc màu, địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, thiên tai thường xuyên xảy ra; cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; diện tích, năng suất và sản lượng nông, lâm nghiệp thấp và chưa ổn định. Công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp nhỏ lẻ. Nguồn ngân sách tài chính của tỉnh hạn hẹp và mất cân đối, việc đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên hết sức thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật thiếu hụt… Những khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Kinh tế phát triển vượt bậc, toàn diện
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa tỉnh Quảng Ngãi liên tục phát triển. Chính vì vậy, qua 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế – xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế – xã hội phát triển, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông – lâm – thủy sản chiếm tỷ trọng 55,68%, công nghiệp – xây dựng 16,52%, dịch vụ 27,80%, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,… trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.514 USD; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: công nghiệp – xây dựng chiếm 52,0%, dịch vụ chiếm 30,2%; nông nghiệp và thuỷ sản chiếm 17,8%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Nhập thiết bị siêu trường siêu trọng qua cảng Dung Quất
Quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn. Tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2018 đạt 51.627 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt 54.900 tỷ đồng (giá so sánh 2010). So với năm 1989, GRDP tăng gấp 19,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5 lần, công nghiệp – xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%/năm.
Xuất khẩu cẩu trục của Công ty Doosan Vina
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Thời điểm năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến nay, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng/năm; đặc biệt, trong giai đoạn 2013 – 2015, thu ngân sách đạt trên 25.000 tỷ đồng/năm, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu.
Thu mua hải sản ở huyện Bình Sơn
Thu nhập bình quân đầu người từ 388 ngàn đồng (năm 1990) tăng lên 2,7 triệu đồng (năm 2000), 24,023 triệu đồng (năm 2010), 43,779 triệu đồng (năm 2013) và 57,8 triệu đồng (tương đương 2.514 USD/người) năm 2018, tăng gấp 149 lần so với năm 1990.
Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giao thông tương đối thuận lợi với hệ thống đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ 1A, sân bay, cảng biển… có thể kết nối với các tỉnh trong khu vực, cả nước và thế giới.
Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhận thức được vai trò quan trọng của đầu tư phát triển, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khơi dậy, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.
Đến nay, Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện,… Nhiều công trình giao thông quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Mở rộng quốc lộ 1A; Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh; đường Mỹ Trà – Mỹ Khê, đường bờ Nam sông Trà Khúc; Cầu Trà Khúc 2; Cầu Thạch Bích; Cầu Trà Bồng, Cảng Bến Đình; chợ Trung tâm thành phố Quảng Ngãi; Dự án điện cáp ngầm cho huyện Lý Sơn;… Tỉnh bố trí vốn ngân sách và huy động nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao. Đến nay, đường giao thông từ thành phố Quảng Ngãi đi đến các huyện, trung tâm xã được nhựa hóa và bê tông hóa. Với hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi, hoạt động vận tải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng; khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hóa không ngừng tăng cao. Hình thành các tuyến xe buýt dọc theo tuyến quốc lộ 1A đến các khu công nghiệp, khu kinh tế Dung Quất và đến trung tâm các huyện miền núi, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Dịch vụ vận tải biển tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Lý Sơn. Hoạt động vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Các doanh nghiệp vận tải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng vận chuyển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hoá liên tục tăng lên qua từng năm. Về vận tải hành khách, từ 305 nghìn lượt hành khách (năm 1989) tăng lên 6,5 triệu lượt hành khách (năm 2019), tăng bình quân 11,2%/năm; khối lượng vận tải tăng từ 221 nghìn tấn lên 12,8 triệu tấn, tăng bình quân 11,4%/năm.
Toàn tỉnh hiện có 717 công trình thủy lợi, gồm 122 hồ chứa nước, 459 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 130 trạm bơm phục vụ sản xuất. Trong đó, có nhiều công trình thủy lợi kết hợp thủy điện quan trong như Thạch Nham, Nước Trong, Đakđrinh, Núi Ngang…đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích gieo trồng trong tỉnh.
Bên công trình đập đầu mối thủy điện Đakđrinh Sơn Tây.
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá hiện hành) qua các năm luôn đạt mức cao như sau: Năm 2005 đạt tỷ lệ 90,55% (giai đoạn đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư 3,0 tỷ USD); năm 2010 đạt 52,88%; năm 2015 đạt 25,63%; năm 2016 đạt 29,25%; năm 2017 đạt 33,62%; năm 2018 ước đạt 40,20%. Như vậy, vốn đầu tư luôn chiếm tỷ lệ cao so với GRDP, nhất là trong những năm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Dây chuyền sản xuất nước ngọt- Nhà máy nước khoáng Thạch Bích.
Ngành công nghiệp có nhiều đột phá và phát triển vượt bậc, những năm 1990, sản phẩm công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp, chủ yếu đường, phân bón, gạch nung, nước mắm. Đến nay, đã hình thành các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp có công suất lớn, giá trị gia tăng cao, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực trong ngành công nghiệp của tỉnh, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 116.223 tỷ đồng, gấp gần 200 lần so với năm đầu tái lập tỉnh 1989; tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm.
Trong 30 năm qua, số cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên đáng kể, từ 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (năm 1989), đến nay, toàn tỉnh có gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn. Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp- đô thị- dịch vụ VSIP, KCN Tịnh Phong, Quảng Phú và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương đã tạo ra bước tăng trưởng nhảy vọt về giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn.
Công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong- Sơn Hà
Ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, cẩu trục, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn của Công ty Doosan Vina; các thiết bị điện của GE, sản phẩm điện tử… ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, các sản phẩm thủy sản chế biến, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông,… đạt sản lượng ngày một tăng cao.
Một góc Khu đô thị Vạn Tường (Bình Sơn).
Từ một địa phương có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên có cơ cấu công nghiệp chiếm trên 53% trong GRDP và trở thành một trong những tỉnh có nguồn thu ngân sách cao trong cả nước. Hiện tại, tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án công nghiệp trọng điểm như: Khu Công nghiệp – Đô thị Dung Quất; nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ VSIP và công tác quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các cảng biển; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất với công suất 4,0 triệu tấn sản phẩm/năm, theo kế hoạch năm 2019, nhà máy đi vào sản xuất và cho ra sản phẩm 1.000.000 tấn thép.
Tỉnh cũng đã mời gọi và được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành, phát điện 03 dự án thủy điện có quy mô 215,5MW Nhà máy thủy điện Đakđrinh, công suất lắp đặt 125 MW; Thủy điện Hà Nang, Nước Trong, Sông Riềng với tổng công suất lắp đặt là 30,5 MW; Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1, công suất lắp đặt 60 MW và một số dự án thủy điện nhỏ; đưa vào hoạt động dự án điện mặt trời Mộ Đức với công suất 19,2MW.
Nhà máy điện mặt trời Mộ Đức của Công ty Thiên Tân
Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Du khách tắm biển ở xã đảo An Bình- Lý Sơn
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhất là ngành công nghiệp đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ. Hàng hóa cung ứng trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh hệ thống chợ được củng cố, phát triển, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng phát triển mạnh mẽ, chất lượng hàng hoá ngày càng đảm bảo, giá cả được niêm yết, tạo thuận tiện, sự yên tâm cho người tiêu dùng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 144 chợ, 07 siêu thị và trung tâm thương mại Vincom; hiện đang triển khai đầu tư 01 dự án Trung tâm Thương mại và Siêu thị Hùng Cường Big C của tập đoàn Vina Group. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 51.018 tỷ đồng, gấp gần 450 lần so với năm 1989, bình quân tăng 23,4%.
Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 155 điểm bưu điện văn hóa xã, tạo nên mạng lưới điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; có 06 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông: VNPT, Viettel, Mobifone, Vinaphone, FPT, SCTV cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, internet được phủ khắp. Mạng lưới bưu chính viễn thông được củng cố, đầu tư nâng cao năng lực và dung lượng nhằm mở rộng diện phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, đáp ứng nhu cầu thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân giữa các vùng, miền. Đến cuối năm 2018, số thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 1.058.223 thuê bao, đạt tỷ lệ 83,7 thuê bao/100 dân.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng đa dạng các loại hình dịch vụ, ổn định, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, dân cư để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn huy động năm 2018 đạt 46.500 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 43.000 tỷ đồng.
Một góc Sa Huỳnh hôm nay
Năm 1989, khi mới tái lập tỉnh, du lịch Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nhân lực hạn chế, xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng, chưa hình thành các tuyến du lịch… Toàn tỉnh chỉ có 07 cơ sở lưu trú chủ yếu là nhà khách, nhà nghỉ chỉ với 160 buồng, doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng với 14.000 lượt khách, phần lớn phục vụ khách công vụ đến làm việc. Đến nay, hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, phát triển nhiều điểm, khu du lịch mới; đã thu hút 26 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 3.137 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2016 – 2018 thu hút 10 dự án với tổng vốn 1.624 tỷ đồng. Các điểm tham quan, du lịch ngày càng được mở rộng, ngoài các khu điểm du lịch đã cơ bản hình thành như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, đến nay đã và đang đầu tư, hình thành các khu điểm du lịch mới như: Suối nước nóng Nghĩa Thuận, Thác Trắng, khu du lịch Bãi Dừa, Suối Chí… Đặc biệt, Lý Sơn là một trong những địa điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh, năm 2018 thu hút hơn 230.000 lượt du khách, chiếm một lượng lớn du khách khi đến Quảng Ngãi. Đến năm 2018, có 25 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; có khoảng 300 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 buồng, phòng với tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao; đã đón 01 triệu lượt du khách, gấp hơn 70 lần so với năm 1989. Trong đó có 86.000 lượt khách quốc tế gấp 100 lần so với năm 1989; doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp 300 lần so với năm 1989.
Một góc Khu Công nghiệp- đô thi- dịch vụ VSIP tại Quảng Ngãi.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, trong đó, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến cả về sản lượng và chủng loại. Từ mức kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,92 triệu USD năm 1989, đến năm 2019 ước đạt 560 triệu USD, tăng gấp 150 lần so với những năm đầu tái lập tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt kim ngạch cao, gồm: cơ khí, thiết bị máy móc công nghiệp nặng đạt 100 triệu USD, dầu FO đạt 75 triệu USD, dăm gỗ 110 triệu USD, tinh bột mì 80 triệu USD, xơ sợi dệt 81 triệu USD, giày dép 42 triệu USD. Thị trường xuất khẩu khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch, UAE, Saudi Arabi và các quốc gia trong khối ASEAN.
Ngày mùa ở Tịnh Sơn, Sơn Tịnh.
Đối với nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Giá trị sản xuất nông lâm và thuỷ sản năm 2019 ước đạt 15.904 tỷ đồng, gấp 5,02 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.
Đến năm 1997, Quảng Ngãi cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi Thạch Nham. Sau Thạch Nham, những công trình như Núi Ngang, Nước Trong và hàng loạt hồ, đập lớn nhỏ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đặt nền móng cho sự ổn định và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, diện tích gieo trồng cây lương thực, thực phẩm tăng dần qua từng năm, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.
Trong hơn 10 năm gần đây, tỉnh có chủ trương và chỉ đạo thực hiện thành công việc chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ bấp bênh sang sản xuất 2 vụ ăn chắc, sản xuất theo mô hình 3 tăng, 3 giảm trong sản xuất lúa. Nhờ đó, năng suất, sản lượng lúa tăng nhanh, từ 26,4 tạ/ha giai đoạn 1989 – 1990, đến nay đã lên trên 58,9 tạ/ha; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 497,8 ngàn tấn, gấp hơn 2,1 lần. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng khá, nhất là khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn; thu hút đầu tư một số mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Chăn nuôi gia súc và gia cầm có nhiều phát triển, góp phần cải thiện đời sống nông dân, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, từng bước hình thành mô hình trang trại chăn nuôi có quy mô công nghiệp, thay thế dần chăn nuôi tận dụng, nhỏ lẻ ở hộ gia đình, mang lại hiệu quả lớn, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo.
Về lâm nghiệp, nhờ những biện pháp tích cực về phát triển rừng, độ che phủ của rừng năm sau đều tăng lên so với năm trước. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp đúng hướng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân cũng như góp phần bảo vệ, phát triển diện tích rừng trồng hiệu quả, nhất là ở các huyện miền núi.
Mắc đồng hồ điện cho gia đình vùng an toàn khu tại Ba Tơ.
Nhiều chương trình, dự án như Chương trình Phát triển trung du và miền núi, Chương trình 327 (phủ xanh đất trống, đồi núi trọc), Chương trình 661 (phát triển 5 triệu hécta rừng), Dự án PAM (vốn nước ngoài tài trợ để trồng rừng ven biển), Chương trình 135 và các dự án trồng rừng do nước ngoài tài trợ đã góp phần phục hồi diện tích đất rừng, diện tích rừng trồng mới hàng năm tăng nhanh. Năm 2019, diện tích có rừng ước đạt 334.278 ha, gấp 2,79 lần so với năm 1989; độ che phủ rừng tăng từ 19% lên 51,9%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 1.265.500 m3, gấp 85 lần.
Trung tâm huyện Tây Trà hôm nay
Ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2018 đạt 248.543 tấn, gấp hơn 10 lần so với năm 1989. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá. Đã xây dựng 03 khu neo đậu trú bão tàu cá và 03 cảng cá với năng lực neo đậu thiết kế thấp nhất 350 tàu có công suất đến 250CV, bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu neo trú và bốc dỡ sản phẩm thủy sản. Số lượng tàu cá không ngừng tăng lên, nhất là tàu có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ, trang bị phương tiện hiện đại; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, phát triển đội tàu vỏ thép, vỏ composit và vỏ vật liệu mới. Những năm 1990, số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản chỉ khoảng 2.052 chiếc, tổng công suất khoảng 35.300 CV, công suất bình quân 17,2 CV/chiếc, đến nay đã có 5.138 chiếc, tổng công suất 1,33 triệu CV, tăng 2,5 lần số lượng tàu và công suất gấp 37 lần so với năm 1989; công suất bình quân 258 CV/chiếc.
Đóng tàu cá công suất lớn vươn khơi bám biển.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, sau gần 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cuối năm 2018, toàn tỉnh có 61 xã và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 12,58 tiêu chí/xã (dự kiến đến cuối năm 2019 có 80 xã đạt chuẩn; chỉ tiêu đến năm 2020 có 98 xã, 06 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới).
Trung tâm huyện đảo Lý Sơn hôm nay.
Đối với phát triển kinh tế biển, đảo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, đảo giai đoạn 2016 – 2020. Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế biển, đảo tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh (trên 80%, tính cả Khu kinh tế Dung Quất). Diện mạo nông thôn và đô thị ven biển khởi sắc, đời sống dân cư được cải thiện; chú trọng gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Lực lượng tàu thuyền và sản lượng khai thác thủy sản tăng; du lịch, dịch vụ có bước khởi sắc, kinh tế huyện đảo Lý Sơn tăng trưởng khá.
Hạ tầng vùng biển, đảo và hạ tầng kết nối được chú trọng đầu tư, nhất là hạ tầng trong khu kinh tế, các khu đô thị và huyện đảo Lý Sơn; hệ thống cảng biển, giao thông, hạ tầng nghề cá, du lịch và hạ tầng xã hội… được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Đối với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, những năm đầu tái lập tỉnh, dù còn nhiều khó khăn, song Quảng Ngãi không ngừng quảng bá tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế cảng biển nước sâu, nguồn lao động dồi dào và những chính sách ưu đãi của tỉnh… để thu hút các nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, cùng với những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư; hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc về sản xuất, kinh doanh, về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai thực hiện…
Sản phẩm xuất khẩu của Công ty Doosan Vina
Nếu như năm 1995, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên vào tỉnh với quy mô rất nhỏ, vồn đầu tư là 0,42 triệu USD, thì đến cuối năm 2018 đã thu hút được 61 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,76 tỷ USD, trong đó, có 31/61 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 518 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 231.686 tỷ đồng. Một số dự án lớn đã và đang được triển khai, đưa vào hoạt động như: Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hoà Phát – Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát; Tổ hợp Vincom Shophouse Quảng Ngãi của Tập đoàn Vingroup; Thành phố Giáo dục quốc tế của Tập đoàn Nguyễn Hoàng… Đây là những dự án lớn, hứa hẹn sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm đến.
Thành phố Quảng Ngãi bắn pháo hoa đón chào năm 2019
Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (01/07/1989 – 01/07/2019) là dịp để tỉnh Quảng Ngãi đánh giá những thành quả của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được, đồng thời tiếp tục nâng cao trí tuệ, chung sức đồng lòng phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX- nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra.
Nguồn : vanhien.vn